G-SYNC VÀ FREE-SYNC HIỂU SAO CHO ĐÚNG

  CES 2019 vừa diễn ra cho thấy dấu hiệu sôi động trong năm nay trên thị trường máy tính. Không chỉ lên tiếng chê bai Radeon VII mới của AMD, CEO Nvidia - Jensen Huang còn bất ngờ công bố chỉ vài màn hình vốn chỉ hỗ trợ công nghệ FreeSync của AMD đạt chuẩn G-Sync của Nvidia. Dù có hơi dìm hàng AMD nhưng việc Nvidia quyết định hỗ trợ G-Sync dựa trên Adaptive Sync là tín hiệu tốt, người dùng sẽ được lợi bởi sẽ có nhiều màn hình G-Sync giá rẻ. Vậy G-Sync mới khác gì so với G-Sync cũ và liệu những gì Nvidia chỉ trích về FreeSync có đúng?

  Nvidia G-Sync mới (tạm gọi là G-Sync không module bởi công nghệ G-Sync trước đó của Nvidia cần một module scaler riêng tích hợp trên màn hình) và AMD FreeSync về cơ bản đều khai thác công nghệ đồng bộ tần số làm tươi biến thiên (Variable Refresh Rate). Vậy nó là gì?


  Trên một chiếc màn hình, cho dù là màn hình chơi game hay màn hình văn phòng, thậm chí là TV thì mỗi giây hình ảnh luôn được làm tươi (refresh) để thể hiện sự thay đổi hình ảnh mà nó đang hiển thị và dù không có gì thay đổi vẫn làm tươi. Thông số làm tươi này được thể hiện bằng đơn vị Hz, một màn hình 60 Hz sẽ làm tươi 60 lần mỗi giây, 144 Hz sẽ làm tươi 144 lần và tương tự với 240 Hz. Khi màn hình làm tươi, nó sẽ làm tươi từ trên xuống dưới (quét từ trên xuống dưới) thành ra tần số làm tươi còn được gọi là tốc độ quét.


  Tuy nhiên, tốc độ dựng hình của máy tính không phải lúc nào cũng đồng tốc với tốc độ quét của màn hình. Tốc độ dựng hình được thể hiện bằng đơn vị fps tức khung hình trên giây, nếu máy tính của bạn đủ mạnh để chơi một tựa game ở tốc độ dựng hình là 120 fps nhưng màn hình của bạn chỉ có tốc độ làm tươi 60 Hz thì tình trạng xé hình xảy ra. Tức là màn hình chỉ có thể hiển thị 60 fps trong khi máy tính đã truyền gấp đôi số lượng khung hình này thành ra màn hình sẽ phải bỏ qua những hình ảnh chưa vẽ xong để bắt kịp.

Một chiếc màn hình hỗ trợ tần số làm tươi biến thiên sẽ giúp giải quyết tình trạng trên khi nó có thể điều chỉnh tốc độ làm tươi sao cho khớp với tốc độ dựng hình của máy tính, từ đó giảm thiểu tình trạng xé hình và khiến mọi thứ trở nên mượt mà hơn. Công nghệ này rất hữu ích và cả AMD lẫn Nvidia đều triển khai nhưng theo nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Đang tải Nvidia GSync.jpg…

  Nvidia có công nghệ G-Sync và hãng dùng giải pháp phần cứng tức màn hình sẽ cần phải có thêm một module do chính Nvidia phát triển, chức năng của nó là giao tiếp với GPU để điều chỉnh tốc độ làm tươi của màn hình, từ đó mang lại trải nghiệm hình ảnh mượt hơn. G-Sync có 2 phiên bản, một phiên bản thường và một phiên bản mở rộng với tính năng HDR yêu cầu màn hình phải có độ sáng tối đa 1000 nit (để hỗ trợ HDR10), hệ thống đèn nền tốt hơn và tấm nền có thể hiển thị dải màu rộng hơn như DCI-P3.

Đang tải AMD FreeSync.jpg…

  AMD dùng FreeSync - một công nghệ đồng bộ tốc độ khung hình và tần số làm tươi của màn hình dựa trên công nghệ Adaptive Sync của VESA (Hiệp hội các tiêu chuẩn video điện tử - phát triển và chuẩn hoá các tiêu chuẩn hiển thị). Đây là một công nghệ VRR khác có thể hoạt động trên nhiều màn hình hơn với nhiều GPU hơn bởi nó không cần đến module scaler như G-Sync. FreeSync là một biến thể của Adaptive Sync, khá giống với phần mềm Adaptive Sync của Intel. Tất cả các màn hình FreeSync đều là màn hình Adaptive Sync nhưng không phải tất cả màn hình Adaptive Sync đều hỗ trợ FreeSync. Do Adaptive Sync là một nền tảng nguồn mở và không cần đến phần cứng đặc biệt để hoạt động ngoại trừ việc phải dùng với kết nối DisplayPort 1.2a trở lên thành ra màn hình FreeSync rẻ hơn và nhiều hãng làm hơn so với G-Sync.

Điều này giải thích cho việc có đến 74,18% người dùng Steam sử dụng GPU của Nvidia để chơi game nhưng phần lớn màn hình chơi game được sản xuất và bán ra lại hỗ trợ FreeSync thay vì G-Sync. Những chiếc màn hình trong top đầu bảng xếp hạng màn hình bán chạy nhất trên Amazon đa phần là FreeSync còn chiếc màn hình G-Sync bán chạy nhất nằm ở vị trí trên 30.

Đang tải Nvida GSync Comparison.jpg…

  Tuy nhiên theo Nvidia thì doanh số bán của màn hình FreeSync không phản ánh chính xác chất lượng. Tại CES 2019, CEO Nvidia đã dành nhiều thời gian chỉ trích chất lượng của những chiếc màn hình FreeSync khi cho biết trong số 400 màn hình Adaptive Sync (hay FreeSync) thì chỉ 12 trong số chúng qua kiểm tra thật sự hoạt động. Sau đó Jensen Huang còn nói tại một buổi họp báo nhỏ hơn rằng "hầu hết màn hình FreeSync không thể triển khai tính năng này. Thậm chí chúng không hoạt động với card đồ hoạ AMD bởi không ai kiểm tra hết. Chúng tôi nghĩ rằng thật tồi tệ khi người dùng mua một thứ mà họ tin rằng quảng cáo ra sao thì hoạt động y vậy nhưng thực tế lại không."

Đáp trả Nvidia, CEO AMD - Lisa Su cũng đã lên tiếng bác bỏ những nhận định này. Bà cho rằng: "Tôi không tin là chúng ta không thấy (khả năng hoạt động của màn hình FreeSync)" và ngay sau đó giám đốc marketing sản phẩm của AMD - Sasa Marinkovic đã lên tiếng thách thức Nvidia rằng đội xanh lá có chắc là đã kiểm tra mọi màn hình AMD như hãng nói hay không. Anh nhấn mạnh "Chứng minh đi"!

Đang tải Jensen Huang.JPG…

  Cả 2 đều đang chỉ tay vào nhau cáo buộc lẫn nhâu, vậy tin ai bây giờ? Những tập đoàn lớn đều có cái lý để bào chữa cho mình. Khi được hỏi về quyết định phê chuẩn G-Sync trên màn hình Adaptive Sync thì Jensen Huang chỉ ra rằng các vấn đề về kiểm soát chất lượng với màn hình hình Adaptive Sync trên thị trường là nguyên nhân khiến Nvidia vào cuộc. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Stephen Baker thì lý do thật sự là Nvidia không thể cạnh tranh trong thế giới màn hình chơi game hiện tại với G-Sync do giá thành quá cao. Ngày càng nhiều màn hình FreeSync được bán ra và ngày càng nhiều hãng làm màn hình gia nhập FreeSync.

Vì vậy cách nhanh nhất đển Nvidia bắt kịp AMD đó là phê chuẩn G-Sync trên những chiếc màn hình Adaptive Sync, không cần đến module rời nữa mà chỉ cần phần mềm. Giá thành từ đó sẽ rẽ hơn và người dùng card đồ hoạ Nvidia sẽ có thể suy nghĩ lại khi chọn mua màn hình.

Đang tải VRR.jpg…

  Có thể hình dung gia đình VRR với sơ đồ trên, tất cả các công nghệ của Nvidia và AMD đều bắt nguồn từ ý tưởng VRR. G-Sync của Nvidia là một nhánh riêng, cần có module scaler. Trong khi đó Adaptive Sync là chuẩn mở của VESA là nền tảng của FreeSync, FreeSync 2 và Adaptive Sync của Intel. Adaptive Sync chủ yếu hoạt động qua DisplayPort 1.2a và phiên bản hỗ trợ qua HDMI hiện chỉ mới có một vài hãng làm TV hỗ trợ, điển hình là Samsung.

  Giờ G-Sync mới của Nvidia nằm chung nhóm với FreeSync và Intel Adaptive Sync. Nvidia nói rằng FreeSync trên nhiều màn hình hỗ trợ công nghệ này thực chất không hoạt động. Vậy điều này đúng hay sai?



  Thực ra điều này không khó xác định là đúng hay sai bởi điều AMD đang làm đó là giới thiệu cho người dùng biết rằng khi họ mua một chiếc màn hình hỗ trợ FreeSync thì cùng với card đồ hoạ của AMD, họ sẽ có thể tải nghiệm tính năng VRR ở một khía cạnh nào đó. Và trải nghiệm này tốt đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như màn hình của bạn chỉ có thể đồng bộ với tốc độ khung hình từ 60 đến 120 fps nhưng card đồ hoạ của bạn lại quá yếu, không thể kéo game trên 60 fps thì hiển nhiên FreeSync trở thành tính năng trang trí.

  Ngoài ra, FreeSync dựa trên Adaptive Sync là nền tảng mở thành ra nó không có nhiều ràng buộc đối với các nhà sản xuất. Chẳng hạn như nhiều màn hình hỗ trợ FreeSync lại được bán ra với tính năng FreeSync tắt, cần phải bật lại trong menu OSD của màn hình.

Đang tải FreeSync 2.jpg…

  Sang đến FreeSync 2 HDR, AMD đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn để đảm bảo một chiếc màn hình đạt chuẩn, chẳng hạn như phải đáp ứng tiêu chuẩn DisplayHDR 400 tối thiểu, độ trễ input lag thấp và đặc biệt là tính năng bù trừ khung hình thấp (Low Framerate Compensation - LFC) nhằm đảm bảo trải nghiệm game vẫn mượt khi hiệu năng dựng hình của hệ thống giảm sút.

  Một chiếc màn hình đạt chuẩn FreeSync 2 HDR sẽ cần phải có dải tần số quét đủ để đáp ứng. Làm sao để biết đủ? Theo AMD bạn lấy tần số tối đa của màn hình chia cho tần số khoảng giữa, nếu tỉ lệ của nó bằng hoặc trên 2.5 là đạt. Chẳng hạn như một chiếc màn hình có tần số làm tươi tối đa 144 Hz và giữa là 48 Hz thì nó sẽ đạt chuẩn FreeSync 2 bởi kết quả là 3. Tuy nhiên nếu màn hình có tần số 144 Hz nhưng tần số giữa là 84 Hz hay 60 Hz thì nó sẽ không đạt. Trong khi đó, G-Sync mới của Nvidia sẽ đòi hỏi tỉ lệ chia này ở mức cố định là 2.4, chẳng hạn như 144 Hz/60 Hz.

  Nvidia hiện chỉ phê chuẩn G-Sync trên một số màn hình (12 mẫu), riêng AMD thì đã có cả danh sách màn hình hỗ trợ FreeSync  Danh sách này cũng cho biết luôn màn hình nào đủ khả năng lên FreeSync 2 và hỗ trợ các tính năng mới như LFC. Sắp tới khi anh em mua màn hình FreeSync 2 hay G-Sync thì ngoài việc xem thông số của màn hình hay nhãn mác quảng cáo thì anh em nên tham khảo thêm từ link trên.

  Thực sự thì việc Nvidia đúng hay AMD đúng không quan trọng, người dùng sẽ được lợi từ quyết định của Nvidia khi đưa G-Sync đến với nhiều màn hình giá rẻ hơn. Thứ chúng ta quan tâm là trải nghiệm thực tế, cả 2 đã bước vào cuộc đua với cùng xuất phát điểm là Adaptive Sync, vì vậy Nvidia lẫn AMD sẽ phải cải tiến công nghệ để cạnh tranh. CEO Lisa Su tỏ ra lạc quan trước động thái của Nvidia khi nói: "Chúng tôi (AMD) chỉ nghĩ rằng điều đó tốt hơn cho người dùng."


Nguồn: tinhte

-->